Hỗ trợ trực tuyến

support online support online

Tin tức >> Mẹo vặt

Mẹo hay để giảm bớt bụi bẩn trong nhà

Tại sao nhà thường xuyên được lau mà vẫn bụi là thắc mắc của rất nhiều người; bụi từ đâu ra mà nhiều đến thế khi bạn thậm chí đã đóng các cửa? Dưới đây là những mẹo hay để giảm bớt bụi bẩn trong nhà.

Bụi bẩn có mặt ở khắp nơi trong nhà. Bạn đã dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ nhưng không lâu sau đó, bụi vẫn xuất hiện.

Bụi bám trên các bề mặt không chỉ khiến ngôi nhà trông bẩn hơn mà còn làm giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của gia đình bạn.

Tại sao nhà bạn thường xuyên lau mà vẫn bụi?
Bụi là các hạt có kích thước siêu nhỏ, xuất hiện khắp mọi nơi trong không khí, khó nhìn được bằng mắt thường. Chúng dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, gây ra các bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.



Bụi đến từ nhiều nguồn khác nhau: Lông vật nuôi, sợi tóc, sợi vải, bụi thảm li ti, vật liệu xây dựng, vụn thức ăn, tế bào da chết của con người, xác và chất thải của côn trùng chết, các hạt vật chất từ bên ngoài ngôi nhà... 

Có thể thấy trong các yếu tố gây bụi có nhiều thứ xuất phát từ trong ngôi nhà chứ không phải bên ngoài, đó là lý do tại sao nhà bạn thường xuyên lau mà vẫn bụi, và dù bạn đóng kín cửa thì bụi vẫn xuất hiện.

Các hạt bụi sẽ không bao giờ biến mất thực sự cho dù bạn có cố gắng làm sạch thế nào đi nữa. Bạn cũng không thể loại bỏ bụi hoàn toàn bằng cách lau và hút bụi, vì những hạt bụi vẫn lơ lửng trong không khí khi chúng ta khuấy động chúng bằng việc quét dọn.

TS Sonia Cajigal, chuyên gia về dị ứng và miễn dịch, Đại học Y khoa thành phố Kansas, Mỹ, giải thích trên trang Realsimple rằng: "Có khá nhiều nguồn bụi tiềm ẩn trong mỗi ngôi nhà. Việc tích tụ bụi trong nhà bạn thường là kết quả của luồng không khí chất lượng kém. Sự kết hợp của nó và việc vệ sinh không thường xuyên có thể khiến bụi và mạt bụi dễ dàng bám vào một số khu vực trong nhà bạn.

Mạt bụi sống trong nệm, gối và vải bọc. Vì vậy, nếu không có vỏ bọc chống dị ứng cho nệm và gối, bạn có thể cân nhắc mua chúng vì chúng có thể ngăn chặn mạt bụi mới xâm nhập những khu vực này và gây khó chịu cho những người bị dị ứng, hen suyễn”.

Còn TS Shyam Joshi, Trưởng khoa Dị ứng và Miễn dịch, Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, Mỹ, cho biết: "Rèm cửa là một thủ phạm gây bụi phổ biến. Bạn nên giặt rèm thường xuyên. Hãy lắp loại rèm có thể giặt bằng máy, vì chúng thường dễ vệ sinh mà phù hợp với túi tiền.

Ngoài ra, chó, mèo và các vật nuôi khác trong nhà cũng là nguồn gây bụi lớn. Việc giữ chúng tránh xa những khu vực thường tích tụ bụi có thể làm giảm mức độ bụi”.

Làm sao để nhà bớt bụi bẩn?

Dù không thể loại bỏ bụi hoàn toàn, những biện pháp sau sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng tích tụ bụi trong nhà bạn.




Đóng cửa sổ
Để ngăn bụi ngoài trời xâm nhập nhà bạn, hãy đóng cửa sổ. Giải pháp này đặc biệt quan trọng nếu bạn sống gần mặt đường, nơi xe cộ qua lại đông đúc. Nếu muốn mở cửa sổ, bạn hãy lựa chọn những thời điểm giao thông thưa thớt, hoặc chỉ mở hé cửa.

Tối giản đồ dùng
Khi có quá nhiều đồ đạc, nhà cửa sẽ khó vệ sinh hơn, có nhiều ngóc ngách cho bụi bẩn đọng lại; chưa kể chính đồ đạc cũng là thứ phát tán bụi hoặc là bề mặt bám bụi.

Lối sống tối giản có thể giảm bụi cũng như thời gian dọn dẹp. Nên cất gọn những món đồ chưa sử dụng, chỉ để những món đồ thường dùng nhằm tránh bám bụi bám. 

Hạn chế đồ nội thất mềm
Đồ nội thất mềm như đệm, thảm… làm tăng vẻ đẹp và sự sang trọng cho không gian nhà bạn nhưng lại là "thỏi nam châm" hút bụi rất mạnh. Nếu chúng không được làm sạch thường xuyên, bụi bẩn sẽ luôn quẩn quanh trong không gian sống của gia đình, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí.

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên giặt chúng thường xuyên hoặc hút bụi hàng ngày, ngăn bụi bẩn tích tụ.

Cân bằng độ ẩm trong nhà 
Cân bằng độ ẩm cũng là cách để hạn chế bụi bẩn. Bạn nên kiểm tra độ ẩm trong nhà; con số lý tưởng là 45% đến 50%. Độ ẩm thấp khiến bụi bám nhiều và lâu hơn trên bề mặt. 



Giặt ga trải giường và cất quần áo vào kho kín
Phòng ngủ thường là nơi có nhiều bụi bẩn nhất trong nhà vì có giường, đệm, gối, chăn cùng nhiều quần áo. Bụi sẽ bám lên các đồ vật này và phát tán vào không khí. Tốt nhất, bạn nên thay và giặt ga trải giường mỗi tuần và cất quần áo trong tủ kín để ngăn sợi quần áo phát tán trong phòng.

Chú ý những khu vực thường xuyên bám bụi 
Khi vệ sinh nhà cửa, hãy chú ý đến những khu vực ít được làm sạch nên thường xuyên bị bám bụi như: Thiết bị điện tử (gồm quạt trần, quạt cây, đèn chiếu sáng và điều hòa), các bề mặt phẳng trên cao (như mặt trên của kệ), các ngóc ngách ẩn và các kẽ hở (như sau rèm, dưới đồ nội thất, giữa các ghế sofa, nội thất cửa sổ).

Mua máy hút bụi
Việc sử dụng máy hút bụi để dọn dẹp mang lại hiệu quả cao hơn so với chổi quét bụi thông thường. Máy hút bụi không dây cầm tay có tính linh hoạt cao hơn vì bạn có thể hút sạch các ngọc ngách; còn máy hút tự động (robot hút bụi) mang lại sự thuận tiện.

Hãy đầu tư tiền vào thiết bị mà bạn thấy có lợi nhất cho ngôi nhà của mình. Nên chọn những loại có bộ lọc HEPA, giúp loại bỏ các hạt bụi cực nhỏ và các chất gây dị ứng khác.

Lau nhà sau khi hút bụi
Sau khi hút bụi, bạn nên lau nhà sạch sẽ để loại bỏ những hạt bụi không được thu gom trong quá trình hút.

Sử dụng máy lọc không khí
Hãy chạy máy lọc không khí để giữ cho ngôi nhà của bạn ít bụi hơn. Hãy đảm bảo rằng máy lọc đủ lớn, vừa với kích thước phòng.

Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu về công suất của máy lọc để đảm bảo rằng thông số tỷ lệ phân phối không khí sạch (CADR) thích hợp với diện tích phòng mà bạn đặt máy.

Làm sạch từ trên xuống dưới, không dùng khăn khô lau bụi

Thay vì dùng khăn khô lau bụi làm phát tán bụi ra xung quanh, hãy sử dụng khăn ẩm. Nên làm sạch theo phương pháp lau từ trên xuống - bắt đầu từ các đồ đạc cao hơn và sau đó di chuyển xuống dưới để bạn không phải lau bụi hai lần.  

Tin liên quan